Logistics Việt Nam nằm giữa vùng kinh tế sôi động bậc nhất thế giới, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển tất cả loại hình vận tải hàng hóa. Lợi thế vị trí này cho phép VN phát triển hệ thống hạ tầng và mạng lưới cung ứng dịch vụ logistics phục vụ hoạt động giao thương nội địa cũng như với khu vực Đông Nam Á, châu Á và trên toàn cầu.

Logistics Việt Nam Trên bản đồ hàng hải thế giới

     Việt Nam nằm ngay cạnh biển Đông – một “cầu nối” thương mại đặc biệt quan trọng trên bản đồ hàng hải thế giới. Trong 39 tuyến đường hàng hải hiện đang hoạt động trên thế giới thì có 29 tuyến đi qua địa phận biển Đông. Trong 10 tuyến hàng hải lớn nhất thế giới thì khu vực biển Đông có 1 tuyến đi qua và 5 tuyến có liên quan. Trung bình mỗi ngày có 250-300 lượt tàu biển vận chuyển qua biển Đông, trong đó, có hơn 50% tàu có trọng tải trên 5.000DWT, khoảng 15-20% tàu có trọng tải từ 30.000DWT trở lên, chiếm ¼ lưu lượng tàu hoạt động trên các vùng biển của thế giới.
    Hàng năm, có khoảng 50% sản lượng dầu thô và các sản phẩm của toàn cầu được chuyên chở qua biển Đông. Khu vực biển Đông cũng có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, trong đó eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới (sau eo biển Hormuz).
cac-gian-khoan-dau-cua-viet-nam-co-quy-mo-ra-sao
Giàn khoan trên Biển Đông
     Xét về vị trí địa lý chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế, biển Đông rất quan trọng đối với nhiều nước trong khu vực châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung. Hàng năm, Mỹ có 90% hàng hóa nội địa và của các nước đồng minh chuyên chở qua biển Đông; 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và 45% hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản; khoảng 60% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc… được vận chuyển bằng con đường này. Đặc biệt, nền kinh tế Singapore hầu như phụ thuộc sống còn vào con đường biển Đông.
     Đối với VN, dọc theo 3.260km bờ biển Đông có nhiều khu vực xây dựng cảng biển, trong đó, một số nơi có thể xây dựng cảng nước sâu như: Cái Lân và một số điểm ở khu vực vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Lạch Huyện, Đình Vũ, Cát Hải, Đồ Sơn, Nghi Sơn, Cửa Lò, Hòn La, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Vân Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải…
3-3-1513819589461-22-40-1100-1959-crop-1513819598126
Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng
     Ngoài ra, cùng với sự hình thành mạng lưới cảng biển, các tuyến đường bộ, đường sắt dọc ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa (đặc biệt là các tuyến đường xuyên Á) cho phép vùng biển và ven biển VN có khả năng chuyển tải hàng hóa nhập khẩu tới mọi miền đất nước một cách nhanh chóng và thuận lợi. Hàng hóa xuất và nhập khẩu của VN sẽ không cần phải quá cảnh qua những nước láng giềng. Ngược lại, hàng hóa của vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào, Campuchia và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) xuất khẩu sang những nước khác có tiềm năng quá cảnh và tạm thời lưu kho trên lãnh thổ VN, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Logistics Việt Nam Trên bản đồ hàng không Đông Nam Á

     Trên bản đồ hàng không Đông Nam Á, 3 cảng trong số những cảng lớn nhất thế giới bao gồm Singapore, Hồng Kông và Cao Hùng (Đài Loan) đều cách Thủ đô Hà Nội và TP.HCM gần 2 giờ bay. Không những thế, thủ đô của tất cả các nước ASEAN (trừ Jakarta – Thủ đô của Indonesia) đều cách TP.HCM gần 2 giờ bay. Miền Nam Trung Quốc, vùng có kinh tế phát triển mạnh nhất của nước này, cũng nằm trọn trong tầm 2 giờ bay từ Hà Nội. Đài Bắc và Dakka (thủ đô Bangladesh) tương tự chỉ cách Hà Nội hơn 2 giờ bay.
dich-vu-v_635833983657841966
Cảng hàng không Việt Nam

Logistics Việt Nam Trên đường bộ Xuyên Á

     VN nằm trên tuyến đường bộ Xuyên Á dài 140.479km. Trong đó, chiều dài tuyến đường này trên lãnh thổ VN là 2.678km. Tuyến đường bộ Xuyên Á do Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á – Thái Bình Dương thuộc Liên Hiệp Quốc (ESCAP) khởi xướng nhằm mục đích nối liền các tuyến đường cao tốc châu Á, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương đường bộ giữa các nước khu vực châu Á và châu Âu.
     Không những thế, VN cũng nằm trên Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC). Về mặt địa lý, trục chính của hành lang là tuyến đường bộ dài 1.450km nối Đà Nẵng (VN) ở phía Đông với Mawlamyine (Myanmar) ở phía Tây, cắt ngang miền Trung và miền Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan. Hành lang giao thông này sẽ là tuyến đường huyết mạch đi qua miền trung du Đông Nam Á trên trục giao thông Đông – Tây và quan trọng là nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với cự ly không thể ngắn hơn. Tháng 6.2009, Hành lang Kinh tế Đông Tây đã được khai thông cho phép các xe tải chở hàng của Thái Lan và VN có thể đi vào lãnh thổ của nhau để giao và nhận hàng. Sự kiện này đã tạo ra tiềm năng lớn cho hoạt động vận chuyển nhanh chóng và hiệu quả với chi phí thấp.
ewec-1
Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC)

Logistics Việt Nam Trên tuyến đường sắt Xuyên Á

tau-20171010-10101373
Vận chuyển bằng đường sắt
     VN cũng nằm trên tuyến đường sắt Xuyên Á đi từ Singapore, qua Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, VN và Côn Minh (Trung Quốc). Tuyến đường sắt Xuyên Á dài khoảng 114.000km, nối liền 28 quốc gia, được đánh giá là một trong những dự án giao thông chủ yếu của ASEAN nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa và du lịch của các nước trong khu vực. Tuyến đường sắt Xuyên Á sẽ mở ra con đường thương mại kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Trung Đông và châu Âu. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà máy tại Trung Quốc được chuyển vào sâu trong đất liền và cách xa các cảng biển lớn để tiết kiệm chi phí nhân công, đường sắt sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giao thương giữa 2 châu lục Á – Âu.

Nguồn: logistics-vietnam.com