Miền đất Nam Bộ là nơi tập trung nhiều ngôi chùa linh thiêng mang đậm nét văn hóa dân gian luôn là điểm đến tâm linh cầu bình an, may mắn của du khách.
Chùa Giác Lâm (TP.Hồ Chí Minh)
Chùa Giác Lâm là ngôi chùa “lớn tuổi” nhất ở TP.Hồ Chí Minh tọa lạc tại 118 Lạc Long Quân, P.10, Q. Tân Bình, TP.HCM, chứa đựng nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, điêu khắc nổi tiếng.
Chùa khá rộng, xây dựng theo kiểu chữ Tam gồm ba dãy nhà nối liền nhau. Bên trong bài trí 118 pho tượng cổ, sử dụng gần 7.500 chiếc đĩa kiểu cẩn dọc để trang trí rất độc đáo được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là ngôi chùa có số lượng đĩa kiểu trang trí nhiều nhất ở Việt Nam.
Ngày xuân, chùa Giác Lâm đón hàng ngàn khách thập phương và du khách quốc tế đến lễ Phật cầu an và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính uy nghiêm của ngôi chùa.
Chùa Tiên Châu (Vĩnh Long)
Chùa Tiên Châu tọa lạc tại cù lao An Bình thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Chùa còn có tên gọi khác là chùa Di Đà hay Tô Châu.
Mọi người thường truyền miệng nhau rằng đây là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất ở đất Vĩnh Long. Xung quanh chùa là những vườn cây trái sum suê chín thơm mát của xứ sở cù lao An Bình hiếu khách, sẽ cho du khách một cảm giác trải nghiệm thật tĩnh lặng và tâm hồn thư thái trong những ngày đầu xuân.
Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt (Lâm Đồng)
Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt là một trong ba thiền viện lớn của Việt Nam theo phái Trúc Lâm. Thiền viện tọa lạc trên ngọn đồi Phụng Hoàng tuyệt đẹp, cạnh Hồ Tuyền Lâm thơ mộng.
Đây không chỉ là công trình tâm linh Phật giáo nổi tiếng mà còn là trung tâm tu học về thiền lớn của Việt Nam.
Với không gian thanh tịnh, kết hợp vườn hoa đa sắc hương các loài quý hiếm, Hồ Tuyền Lâm nên thơ, núi đồi hùng vĩ, Thiền viện trở thành một địa điểm thu hút đông đảo phật tử và khách du lịch thăm viếng hàng năm.
Chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang)
Chùa Vĩnh Tràng thuộc xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là ngôi chùa thờ Phật lớn nhất tỉnh Tiền Giang, được kiến trúc khá tinh vi, đa dạng, mang dáng vẻ kiến trúc châu Á pha lẫn châu Âu vừa uy nghiêm lại vừa mới lạ.
Chùa được xây dựng theo dạng chữ “Quốc” của Hán tự.
Chùa Vĩnh Tràng đang bảo tồn hơn 60 tượng Phật đúc bằng gỗ, đồng, đất nung… được thếp vàng óng ánh và được tạc vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Chùa Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang)
Chùa Bà Chúa Xứ thu hút du khách không chỉ bởi sự linh thiêng mà còn là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, núi rừng bao quanh nên thơ.
Chùa Bà Chúa Xứ là điểm đến nổi tiếng khắp Miền Nam, tọa lạc tại núi Sam, Châu Đốc, An Giang
Hành hương về chùa Bà Chúa Xứ du khách sẽ cảm thấy lòng thư thái, nhẹ nhàng. Hàng năm, nơi đây còn diễn ra lễ hội chùa Bà Chúa Xứ (hay Vía Bà) tôn nghiêm và trang trọng.
Chùa Linh Sơn (Đồng Nai)
Chùa Linh Sơn tọa lạc trên ngọn núi Gia Ray (tên gọi khác là núi Chứa Chan) thuộc huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Cứ vào dịp rằm tháng Giêng hoặc tháng 7 hàng năm, lượng du khách đổ về hành hương rất đông. Từ dưới chân núi trở lên là một dãy quần thể các chùa, miếu và cảnh đẹp thu hút khách du lịch.
Đây là một điểm đến tham quan nổi tiếng và có giá trị tâm linh cao. Người người lên chùa hành hương với mục đích chính là cầu nguyện, khấn vái với niềm tin sâu sắc về sự linh ứng. Do đó, ở đây lúc nào nghi ngút hương khói. Mặc dù đường dẫn lên chùa rất dốc, dài và gian lao nhưng dường như ai đã đặt chân tới đây về thành tâm ghé thăm chùa , và tận mắt chứng kiến bức tranh thiên nhiên hùng vĩ từ trên cao.
Núi Bà Đen ở Tây Ninh
Núi Bà Đen còn là một quần thể kiến trúc gồm điện, chùa, miếu, tháp… phản ánh những đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Trong đó, nổi bật là chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự) hay còn gọi là chùa Thượng và Điện Bà, nơi đặt bức tượng Bà Đen bằng đồng.
Núi Bà Đen còn có tên gọi khác là núi Vân Sơn do ngọn núi quanh năm có mây bao phủ. Núi Bà Đen gắn với truyền thuyết về một người con gái nhan sắc mặn mà, có nước da bánh mật tên là Lý Thị Thiên Hương. Người yêu cô là Lê Sỹ Triệt, quê ở Quang Hóa (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ngày nay), có tài cao, chí lớn, nên đã lên đường phò Nguyễn Huệ giữ nước.
Nhân dịp Tết Đoan Ngọ, cô theo gót đoàn hành hương lên núi Một lễ Phật thì bị bọn quan quân Tuần Phủ vây bắt và có ý định hãm hại. Cùng đường, cô đã gieo mình xuống núi để giữ tấm lòng chung thủy với người yêu. Cô đã về báo mộng cho nhà sư trụ trì ngôi chùa trên núi, từ đo cô rất hiển linh, luôn phù hộ độ trì cho thiện tín mười phương nên được nhân dân quanh vùng lập điện thờ trên núi.
Hoàng Ngọc/Dantri
Tổng hợp